CỨU CHUỘC HỌC
Của ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II
TRONG THÔNG ĐIỆP
"ĐẤNG CỨU CHUỘC CON NGƯỜI"
LM. Phêrô Trần Đình
Hai nét nổi bật trong thần học của Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II là "chiều kích Ba Ngôi" và "chiều kích
cứu chuộc học" của các mầu nhiệm Kitô-giáo.
Cứu chuộc học của Đức Thánh Cha có rất nhiều nét
sống động và hiện đại, rất gần gũi với con người.
Hai văn kiện trong đó Đức Thánh Cha trình bày khá
dài quan điểm cứu chuộc học của Ngài là thông điệp khai trương triều đại của
Ngài có tên là "Đấng Cứu Chuộc con người" (Redemptor hominis), và tác
phẩm trả lời phỏng vấn mang tên "Bước qua ngưỡng cửa hy vọng".
Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày tóm tắt giáo huấn
cứu chuộc học của Đức Thánh Cha trong thông điệp "Đấng Cứu Chuộc con
người".
I. MẦU NHIỆM CỨU CHUỘC.
Giáo Hội là công cụ phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc.
1. Thế nhưng, cứu chuộc có nghĩa là gì
?
a. Cùng với Thánh Phaolô , Đức
Thánh Cha nhìn thế giới bị tội lỗi xâm nhập nên lệ thuộc vào sự hư nát, rên
xiết như người đàn bà chuyển dạ sinh con, ngong ngóng chờ ngày Thiên Chúa mạc
khải. Cứu chuộc như vậy có nghĩa là biến đổi.
Sự hư nát được Đức Thánh Cha nhìn một cách cụ thể
như : sự ô nhiễm môi trường, những cuộc xung đột vũ trang, chế tạo vũ khí
nguyên tử, thiếu tôn trọng sự sống.
b. Đối với con người, tâm điểm
của thế giới : cứu chuộc có nghĩa là giúp họ khám phá ra ơn gọi cao siêu của
mình, là phục hồi hình ảnh Thiên Chúa đã bị tổn thương do tội nguyên tổ. Đức
Kitô cứu chuộc con người bằng cách "đảm nhận" chứ không làm tiêu tan
bản tính con người.
2. Hai chiều kích của mầu nhiệm Cứu
Chuộc :
a. Chiều kích
thần linh :
- Mầu nhiệm Cứu Chuộc mạc khải khuôn mặt của Thiên
Chúa Ba Ngôi : "Việc mạc khải Chúa Cha và đổ tràn Thánh Linh như thể in
dấu khôn tẩy vào mầu nhiệm Cứu Chuộc", "chính trong Đức Giêsu Kitô,
Thiên Chúa lại nên gần gũi với nhân loại vì Ngài ban cho họ Thần Chân lý".
- Nhờ mầu nhiệm Cứu Chuộc, người ta mới hiểu được
tình yêu của Thiên Chúa vẫn có từ muôn đời khi tạo dựng con người và vẫn tiếp
tục yêu thương con người với một tình yêu không lùi bước khiến Ngài được gọi là
Thiên Chúa và là Cha.
- Tình yêu ấy của Chúa Cha nay mang một khuôn mặt
cụ thể là Đức Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa nhập thể, nên tội để giao hòa con người
cùng Thiên Chúa, để làm cho họ nên công chính, để Thiên Chúa từ nay gần gũi với
con người. Chính nhờ Đức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa tạo thành nay tự mạc khải là
Thiên Chúa cứu chuộc.
Mầu nhiệm Cứu Chuộc mang chiều kích thần linh vì nó
mạc khải tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi cho con người.
b. Chiều kích
nhân linh :
- Con người hôm nay không biết mình là ai và cảm
thấy cuộc sống vô nghĩa. Lý do là vì họ không đón nhận được mạc khải tình yêu.
- Chính vì vậy, Đức Kitô là Đấng cứu chuộc con
người vì đã mạc khải cho con người biết rằng họ cao trọng và có một giá trị vô
song trước mặt Thiên Chúa. Đây là chiều kích nhân linh của mầu nhiệm Cứu Chuộc.
- Cho nên, càng đi vào trong Đức Kitô và đồng hóa
với mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc, con người lại càng ngạc nhiên và thán phục
sâu xa đối với chính mình và tin rằng công trình cứu chuộc thể hiện nhờ thập
giá Đức Kitô đã trả lại cho họ phẩm giá và ý nghĩa đời sống trong thế giới,
trong khi vì tội lỗi mà họ đã đánh mất phần lớn ý nghĩa này.
Mầu nhiệm Cứu Chuộc như vậy mang chiều kích nhân
linh vì mạc khải cho con người biết cuộc sống của họ thật sự có ý nghĩa.
3. Như vậy, nhiệm vụ của Giáo Hội là
gì ?
a. Trước tiên là hướng con người
về mầu nhiệm Đức Kitô và làm cho con người quen với chiều sâu công trình cứu
chuộc của Ngài. Giáo Hội còn phải loan báo mầu nhiệm Đức Kitô cho con người,
nghĩa là bày tỏ chiều kích thần linh và nhân linh của ơn cứu chuộc, đồng thời
đấu tranh không mệt mỏi cho phẩm giá con người. Chính khi loan báo Đức Kitô mà
Giáo Hội giúp họ gặp lại bản thân trong Ngài.
b. Thứ đến, nhiệm vụ của Giáo Hội
là truyền giáo để giúp mọi người tiến đến gia tài lộng lẫy của tinh thần nhân
loại đã được biểu lộ ra nơi mọi tôn giáo. Truyền giáo bao giờ cũng phải bắt đầu
bằng tâm tình quí trọng sâu xa trước những gì có nơi mọi người. Sứ mạng truyền
giáo không phải là phá hủy nhưng là đảm nhận lấy các giá trị và làm một cuộc
xây dựng mới.
II. VỊ TRÍ CỦA CON NGƯỜI ĐƯỢC CỨU CHUỘC
TRONG THẾ GIỚI HIỆN TẠI.
Đề cập đến những triển vọng cũng như những lo âu
của con người trong thế giới hôm nay.
1. Để phục vụ con người,
Giáo Hội phải đi qua một con đường duy nhất mà Đức Kitô đã vạch ra, đó là con
đường của mầu nhiệm Nhập Thể, bởi vì chính nơi mầu nhiệm này "Con Thiên
Chúa đã hiệp nhất với con người". Vì thế, Giáo Hội phải làm cho mọi người
có thể gặp lại Đức Kitô, để Đức Kitô có thể đi qua đường đời bên cạnh mỗi người.
Giáo Hội không thể thờ ơ với tất cả những gì phục
vụ lợi ích chân chính của con người nghĩa là chăm lo sao cho đời sống trần gian
xứng hợp với phẩm giá con người, làm cho đời sống con người nhân đạo hơn.
Sự chăm lo này không được lẫn lộn với bất cứ hệ thống
chính trị nào.
Con người nói đây là con người trong tất cả chiều
kích của nó, con người toàn diện, vừa là con người cụ thể trong lịch sử, vừa là
kẻ mang hình ảnh của Thiên Chúa, được kêu mời và tiền định để lãnh nhận ân sủng
và vinh quang.
2. Tất cả mọi
con đường đều dẫn tới con người.
a. Giáo Hội không thể bỏ rơi con
người vì số mệnh của con người được liên kết chặt chẽ không thể tách rời với
Đức Kitô.
Con người là con đường đầu tiên Giáo Hội phải đi
qua chu toàn sứ mạng của mình, con đường căn bản của Giáo Hội do chính Đức Kitô
vạch saün, con của Nhập Thể và Cứu Chuộc. Con người trong tất cả sự thật của
đời sống mình nghĩa là, luôn hướng chiều về sự tội và luôn khao khát chân thiện
mỹ, con người bị giới hạn và khao khát vô biên.
Khi phục vụ con người, Giáo Hội phải ý thức về
những đe dọa xảy đến cho con người và những gì trái ngược với nỗ lực làm cho
đời sống con người nên nhân đạo hơn.
b. Vậy thì, con người bị đe dọa
bởi những gì ? Con người bị đe dọa bởi những sản phẩm do mình làm ra, không
những làm cho họ bị tha hóa nhưng còn quay lại phản bội chính họ nữa. Đấy là
một thảm kịch của đời sống con người hôm nay.
Đời sống con người bị đe dọa dưới nhiều khía cạnh :
- Việc khai thác đất đai quá mức đe dọa môi trường
tự nhiên khiến con người bị tha hóa đối với thiên nhiên và rời bỏ thiên nhiên,
thay vì làm chủ và gìn giữ thiên nhiên thì lại trở thành kẻ bóc lột và phá hủy
nó.
- Sự phát triển khoa học kỹ thuật và phát triển văn
minh không đi đôi với phát triển luân lý và đạo đức, nghĩa là nên tốt hơn,
trưởng thành hơn trong ý thức, về phẩm giá của mình, về trách nhiệm của mình và
sự quan tâm nhiều hơn đối với tha nhân.
c. Giáo Hội đặt ra vấn đề ấy vì
quan niệm rằng : sự lo lắng cho con người là một bổn phận thiết yếu gắn liền
với sứ mạng của Giáo Hội. Giáo Hội tìm thấy nguồn gốc sự chăm lo ấy, nơi chính
Đức Giêsu Kitô. Chăm lo cho con người, Giáo Hội đọc lại hoàn cảnh của con người
trong thế giới hôm nay.
3. Thế
giới hôm nay xuất hiện trước mắt chúng ta như thời kỳ tiến bộ vượt bực nhưng
cũng đầy đe dọa đối với con người bởi lẽ chính con người dường như đã "rời
xa các đòi hỏi khách quan của trật tự luân lý cũng như các đòi hỏi của công
bình và càng xa hơn nữa đối với các đòi hỏi của tình yêu". Khi trao
cho con người nhiệm vụ khuất phục trái đất, Thiên Chúa muốn "đạo đức
phải đặt trên kỹ thuật, con người phải đặt trên sự vật, tinh thần phải đặt trên
vật chất".
- Cần phải phát triển con người chứ không phải thêm
nhiều sự vật cho con người sử dụng. "Không phải sở hữu nhiều hơn cho
bằng hiện hữu phong phú hơn". Một ví dụ cho thấy : trong khi thế giới
tiến bộ kinh khủng trong việc thống trị thế giới sự vật thì con người lại trở
nên nô lệ nhiều hơn, nhất là trong nền văn minh thuần túy vật chất.
- Nền văn minh thuần túy vật chất cho thấy sự chênh
lệch giữa các tầng lớp xã hội, một bên là kẻ thu rút lợi nhuận và một bên là kẻ
chịu thiệt thòi nhục nhã, nhưng cả hai đều là con người. Nước giàu giàu thêm,
nước nghèo lại càng nghèo. Đấy là chưa nói đến sự lạm phát, thất nghiệp kéo
theo những hậu quả rối loạn về luân lý.
4. Thế kỷ
chúng ta là thế kỷ của những tai họa lớn lao cho con người không những về
phương diện vật chất mà còn về tinh thần nữa. Liên hiệp quốc cũng như mọi ý
thức hệ, mọi chế độ chính trị luôn đặt con người và quyền con người lên hàng
đầu. Tuy nhiên, dường như chúng chỉ là những "văn tự" hơn là tinh
thần (nghĩa là sự thể hiện cụ thể).
Một xã hội muốn chứng tỏ là xã hội đề cao con người
thì phải để cho con người làm chủ vận mệnh của họ và chính quyền phải phục vụ
công ích, tôn trọng những quyền lợi khách quan và bất khả xâm phạm của con
người, trong đó tự do lương tâm là bản trắc nghiệm cơ bản.
III. SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI VÀ VẬN MỆNH CỦA
CON NGƯỜI.
Giáo Hội là "Giáo Hội cho con người",
"là Giáo Hội phục vụ con người", bởi con người vẫn là và luôn mãi là
"con đường của đời sống hằng ngày của Giáo Hội".
1. Trước tiên, sứ mạng của Giáo Hội là
chăm lo cho ơn gọi của con người. Lý do :
a. Vì "vấn đề con người đã
được ghi khắc trong mầu nhiệm Cứu Chuộc của Đức Kitô", nơi ấy Đức Kitô như
"đích thân muốn hiệp nhất với con người". Cho nên, khi nhìn vào
mầu nhiệm ấy, Giáo Hội hiểu việc chăm lo cho con người là một sứ mạng thuộc bản
chất của Giáo Hội. Hơn nữa, Đức Kitô đã hiệp nhất với Giáo Hội trong sứ vụ cứu
chuộc của Ngài.
b. Vì Giáo Hội là thân thể Đức
Kitô, dân Thiên Chúa. Cho nên, khi quay về với những vấn đề thực tế của con
người (hy vọng, khổ đau, chinh phục, sa ngã) sẽ làm cho Giáo Hội nên một thân
thể.
c. Con người mà Giáo Hội phục vụ
là một con người khắc khoải vươn lên, khát vọng vô biên (chân, thiện, mỹ) nên
Giáo Hội phải tập nhìn với cặp mắt của Đức Kitô.
d. Những con người ở ngoài biên
giới hữu hình của Giáo Hội cũng biểu lộ nhu cầu tâm linh. Đối với những con
người ấy, Giáo Hội phải là bí tích, nghĩa là vừa là dấu chỉ vừa là phương tiện
hiệp nhất với Thiên Chúa và với toàn thể nhân loại.
e. Sau cùng, như Đức Kitô, sứ
mạng của Giáo Hội là phục vụ chứ không phải để được phục vụ.
2. Giáo Hội phục vụ con người bằng
những phương thế nào?
a. Với tư cách là Thầy và là ngôn sứ, Giáo
Hội rao giảng về Chúa một cách trung tín như Đức Kitô đã luôn trung tín với Lời
của Thiên Chúa Cha. Giáo Hội là người chịu trách nhiệm về chân lý của Chúa.
Giáo Hội phải yêu mến chân lý, tìm hiểu chân lý cho thật chính xác ngõ hầu có
thể diễn tả chân lý cho con người.
Riêng các nhà thần học, khi tìm hiểu chân lý không
được quên ý nghĩa công việc mình là phục vụ Giáo Hội và phục vụ quyền giáo huấn
đã được Chúa ban cho người kế vị Thánh Phêrô và các Giám mục.
Việc thông phần vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô
trước tiên là nhiệm vụ của các đấng chủ chăn qua việc giảng dạy, loan báo và
thông truyền giáo lý đức tin và luân lý Kitô-giáo dưới mọi hình thức.
Ngoài ra, hết mọi thành phần Dân Chúa cũng được
tham dự vào chức năng ngôn sứ của Đức Kitô và đều có trách nhiệm đối với chân
lý như cha mẹ, các nhà chuyên môn (khoa học, văn sĩ, nghệ sĩ, luật sư....).
b. Bằng việc cử hành bí tích
Thánh Thể và sám hối :
- Thánh Thể : "Giám mục và
Linh mục phải lo sao cho bí tích mến yêu này được đặt ở trung tâm đời sống của
dân Thiên Chúa", bởi vì Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của tất cả
đời sống bí tích, giúp tín hữu hiệp nhất với Đức Kitô và với nhau, và Thánh Thể
xây dựng Hội Thánh.
- Sám hối : Thánh Thể và sám hối có
tương quan chặt chẽ với nhau, vì Đức Kitô, Đấng kêu mời ta tham dự tiệc Thánh
Thể cũng là Đấng luôn kêu mời ta sám hối.
Ngày nay, người ta nỗ lực làm nổi bật chiều kích
cộng đồng của việc sám hối nhưng không được quên rằng sám hối là việc làm của
chính cá nhân ý thức mình là kẻ có tội, để họ đích thân gặp gỡ Đức Kitô chịu
đóng đinh là Đấng ban ơn tha tội qua thừa tác viên của Ngài. Bí tích sám hối là
phương thế làm cho con người no thỏa sự công chính do Đấng Cứu Chuộc ban cho
ta. Vì vậy, khi bảo toàn bí tích sám hối, Giáo Hội biểu lộ niềm tin của mình
vào mầu nhiệm Cứu Chuộc.
Tóm lại, Giáo Hội phải là "Giáo Hội của Thánh
Thể và sám hối".
c. Bằng việc phục vụ
Giáo Hội cũng như kitô-hữu còn được thông phần vào
sứ mạng làm vua của Đức Kitô. Chức năng này được biểu lộ trong sự saün sàng
phục vụ theo gương Đức Kitô. Cho nên có thể nói, ta chỉ có thể làm vua bằng
phục vụ hay phục vụ là làm vua. Phải xây dựng đời sống mình trên nguyên tắc ấy,
và nguyên tắc này được áp dụng cho hết mọi hạng người trong Giáo Hội, từ Đức
Thánh Cha cho đến giáo dân. Chính vì thế mà ta có thể định nghĩa Giáo Hội là "Giáo
Hội cho con người" và "Giáo Hội phục vụ mọi người".